Đóng
 

Thứ bảy, 03/05/2025 | 05:44
16:15  |  02/05/2025

Giải mã công nghệ an toàn ô tô: Tính năng nào thực sự hữu dụng tại Việt Nam?

Trong kỷ nguyên xe hiện đại, danh sách các trang bị an toàn trên ô tô ngày càng trở nên phong phú, từ hệ thống phanh tự động, hỗ trợ giữ làn đường đến cảnh báo điểm mù hay camera 360 độ. 

Tuy nhiên, giữa "ma trận" công nghệ như vậy, không phải tính năng nào cũng mang lại giá trị thực tế trong điều kiện giao thông đặc thù của Việt Nam. 

Phanh khẩn cấp tự động (AEB): Cứu cánh trong tình huống bất ngờ

AEB hoạt động dựa trên cảm biến, radar và camera, giúp phát hiện nguy cơ va chạm với xe phía trước. Khi hệ thống nhận thấy người lái chưa kịp phanh, xe sẽ tự động kích hoạt phanh để giảm thiểu hoặc tránh tai nạn. Tại Việt Nam, nơi mật độ giao thông dày đặc và thường xuyên xảy ra các tình huống bất ngờ như xe máy tạt đầu hoặc người đi bộ băng qua đường đột ngột, AEB thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt trong môi trường đô thị. Nhiều vụ va chạm nhẹ khi kẹt xe có thể được ngăn chặn nhờ công nghệ này. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý rằng AEB có thể giảm hiệu quả khi camera bị che, thời tiết xấu hoặc hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu. Ngoài ra, trên nhiều mẫu xe phổ thông, tính năng này chỉ hoạt động ở tốc độ dưới 80 km/h.

Cảnh báo điểm mù (BSM) và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi (RCTA): Hữu dụng trong đô thị

BSM sử dụng radar để phát hiện phương tiện nằm trong vùng không thể quan sát qua gương chiếu hậu, trong khi RCTA hỗ trợ tài xế khi lùi xe từ bãi đỗ, cảnh báo các phương tiện đang cắt ngang phía sau. Đây là hai tính năng cực kỳ thiết thực với điều kiện giao thông tại Việt Nam, nhất là khi di chuyển trong thành phố đông đúc hoặc khi sử dụng các dòng xe SUV, crossover có tầm quan sát hạn chế. Việc cảnh báo kịp thời giúp hạn chế va chạm với xe máy – đối tượng giao thông thường xuyên xuất hiện bất ngờ từ phía sau và hai bên hông xe.

Camera 360 độ: Trợ thủ đắc lực khi đỗ xe nơi chật hẹp

Camera 360 độ hoạt động bằng cách ghép hình ảnh từ bốn camera lắp quanh xe (trước, sau, hai bên) để tạo ra góc nhìn giả lập từ trên cao. Công nghệ này tỏ ra rất hữu ích trong bối cảnh đô thị Việt Nam, nơi bãi đỗ xe chật hẹp, vỉa hè hẹp và giao thông lộn xộn. Với tài xế mới, người lớn tuổi hoặc phụ nữ, camera 360 giúp việc quay đầu, lùi xe hay ghép xe trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Dù vậy, chất lượng hiển thị và độ trễ vẫn phụ thuộc nhiều vào từng hãng xe, một số mẫu xe phổ thông có thể cho hình ảnh mờ và kém hiệu quả trong điều kiện thiếu sáng.

Giữ làn đường và kiểm soát hành trình thích ứng: Tốt trên cao tốc, hạn chế ở nội đô

Các hệ thống giữ làn đường và kiểm soát hành trình chủ động sử dụng camera để nhận diện vạch kẻ đường và điều chỉnh tốc độ theo xe phía trước. Tuy nhiên, trong thực tế giao thông Việt Nam, các tính năng này chỉ thực sự hữu dụng trên cao tốc hoặc các tuyến đường lớn có vạch kẻ rõ ràng và mật độ phương tiện ổn định. Tại khu vực nội đô, nơi vạch sơn thường bị mờ, giao thông hỗn hợp và liên tục có phương tiện cắt ngang, hệ thống giữ làn và cảnh báo lệch làn thường gây phiền toái vì cảnh báo liên tục hoặc tự ngắt chức năng.

Cảnh báo mất tập trung và đèn pha thích ứng: Hữu ích nhưng ít người dùng đúng

Hệ thống cảnh báo mất tập trung có thể nhận biết các biểu hiện như: lạng làn hay đánh lái bất thường hay buồn ngủ để nhắc nhở người lái. Trong khi đó, đèn pha thích ứng giúp tự động điều chỉnh chế độ pha – cốt khi gặp xe đi ngược chiều hoặc phía trước, tránh gây chói mắt. Mặc dù đây là những tính năng hữu ích trên lý thuyết, nhiều tài xế Việt thường có thói quen tắt đi vì cảm thấy phiền hoặc "không cần thiết". Với những người thường xuyên lái xe ban đêm ở ngoại thành hoặc cao tốc, đèn pha thích ứng lại là tính năng đáng giá để đảm bảo tầm nhìn mà vẫn an toàn cho người khác.

Cảnh báo áp suất lốp (TPMS): Nhỏ nhưng đáng giá

TPMS là hệ thống đơn giản nhưng rất quan trọng, giúp cảnh báo tình trạng lốp non hơi – yếu tố có thể dẫn đến nổ lốp hoặc hao nhiên liệu do ma sát lớn. Đây là một trong những công nghệ nên có trên mọi chiếc xe, nhất là với những người thường xuyên chạy cao tốc. Đáng nói là nếu xe chưa được trang bị sẵn TPMS, người dùng hoàn toàn có thể lắp thêm với chi phí hợp lý, chỉ từ 1,5 đến 3 triệu đồng.

Chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu sử dụng

Dù công nghệ an toàn ngày càng được trang bị nhiều trên ô tô hiện đại, nhưng không phải tính năng nào cũng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Thay vì chạy theo số lượng, người tiêu dùng nên ưu tiên các tính năng thiết yếu, mang lại hiệu quả rõ rệt như phanh tự động khẩn cấp (AEB), cảnh báo điểm mù (BSM), cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi (RCTA), hệ thống cảnh báo áp suất lốp (TPMS) và camera 360 độ. 

Với các công nghệ nâng cao như hỗ trợ giữ làn hay kiểm soát hành trình thích ứng, người mua cần cân nhắc nếu chủ yếu di chuyển trong đô thị. Quan trọng hơn cả, hệ thống an toàn chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được bảo dưỡng định kỳ và người lái sử dụng đúng cách. Công nghệ chỉ là công cụ, quyết định an toàn cuối cùng vẫn nằm ở chính sự tỉnh táo và kỹ năng của người cầm lái.

TH (Tuoitrethudo)