Sau khi kế hoạch hợp nhất giữa Nissan và Honda chính thức tan vỡ vào tháng 2/2025, Toyota được cho là đã tiếp cận Nissan để bàn về khả năng hợp tác chiến lược.
Động thái này, nếu được xác nhận, có thể làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, vốn đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ dưới áp lực điện khí hóa và chuyển đổi phần mềm.
Ngày 13/2/2025, Nissan và Honda ra tuyên bố chấm dứt đàm phán sáp nhập, vốn được khởi xướng từ cuối năm 2024 thông qua một biên bản ghi nhớ ký ngày 23/12. Lý do chủ yếu được đưa ra là hai bên không tìm được tiếng nói chung, trong đó đáng chú ý là việc Nissan phản đối đề xuất trở thành công ty con của Honda, điều được cho là đã khiến đàm phán nhanh chóng đi vào ngõ cụt.
Mặc dù vẫn duy trì hợp tác trong các lĩnh vực như điện khí hóa và phát triển phần mềm, nhưng rõ ràng cả hai không thể đạt được sự đồng thuận để tiến tới một bước ngoặt lớn như hợp nhất. Giới quan sát nhận định, sự đổ vỡ này càng làm nổi bật tình trạng bất ổn trong nội bộ Nissan, cũng như những áp lực ngày càng lớn buộc các hãng xe Nhật phải tìm đến nhau để chia sẻ chi phí nghiên cứu, sản xuất và ứng phó với xu thế xe điện.
Trong bối cảnh đó, tờ Mainichi Shimbun đưa tin rằng một lãnh đạo của Toyota đã có cuộc tiếp xúc với phía Nissan để thảo luận về một số hình thức hợp tác. Thông tin này sau đó được Automotive News trích dẫn lại, dù cả Toyota và Nissan đều từ chối bình luận chính thức.
Phát biểu tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) vào tháng 1, Chủ tịch Toyota - ông Akio Toyoda từng bác bỏ khả năng Toyota sẽ tham gia vào bất kỳ thương vụ sáp nhập lớn nào liên quan đến Nissan, viện dẫn lo ngại về luật chống độc quyền. Tuy nhiên, quan điểm này có thể đã thay đổi sau khi đàm phán Nissan - Honda đổ vỡ.
Trong nhiều năm qua, Toyota đã âm thầm xây dựng một mạng lưới ảnh hưởng rộng khắp trong ngành công nghiệp ô tô nội địa, với cổ phần tại nhiều hãng xe lớn: 20% ở Subaru, 5,1% tại Mazda, 4,9% ở Suzuki và 5,9% tại Isuzu. Chính vì vậy, bất kỳ động thái bắt tay hay trao đổi cổ phần với Nissan cũng sẽ mang tính chiến lược cao và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Thực tế, Chủ tịch Akio Toyoda từng tỏ ra thất vọng với bản thông cáo báo chí chung của Nissan và Honda sau lễ ký biên bản ghi nhớ hợp nhất. “Không có bất kỳ nội dung cụ thể nào về sản phẩm, mà chỉ toàn những từ ngữ mơ hồ như ‘động lực tăng trưởng’ hay ‘dẫn đầu thế giới về phương tiện di động’”, ông Toyoda phát biểu, ngầm chỉ trích sự thiếu thực chất trong kế hoạch hợp nhất của hai hãng đối thủ.
Nissan hiện đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ sau nhiều năm mất định hướng sản phẩm và chiến lược toàn cầu. Dưới thời cựu Chủ tịch Carlos Ghosn, Nissan từng đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt doanh số 8 triệu xe/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu từ công ty, trong năm tài chính 2024 (kết thúc ngày 31/3/2025), doanh số của hãng chỉ đạt 3,3 triệu xe, chưa bằng một nửa mục tiêu trước đó.
Giám đốc sản phẩm Ivan Espinosa thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng “quá nhanh, quá nguy hiểm” dưới thời Ghosn đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Để khôi phục hiệu quả hoạt động, Nissan đang cắt giảm mạnh chi phí: giảm 20.000 việc làm toàn cầu, đóng cửa 7 nhà máy, cắt 70% sự phức tạp của linh kiện và ngừng sản xuất 6 nền tảng khung gầm. Dù vậy, hãng vẫn cam kết tiếp tục đầu tư vào thương hiệu xe sang Infiniti.
Hiện tại, Nissan đang kỳ vọng vào mối liên minh chiến lược với Renault và Mitsubishi để cùng phát triển các mẫu xe dùng chung khung gầm, linh kiện, chỉ thay đổi nhãn hiệu nhằm tối ưu chi phí và thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù chưa rõ cụ thể nội dung trao đổi giữa Toyota và Nissan, giới phân tích nhận định bất kỳ hình thức hợp tác nào, từ chia sẻ nền tảng xe điện, hợp tác phát triển phần mềm đến sáp nhập liên doanh ở thị trường nước ngoài cũng đều có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên.
Tuy nhiên, các rào cản pháp lý, khác biệt về văn hóa doanh nghiệp và sự cạnh tranh truyền thống giữa hai tập đoàn có thể khiến quá trình thương lượng kéo dài hoặc khó đi đến kết quả cụ thể. Trong khi Toyota hiện ở vị thế áp đảo về doanh số, lợi nhuận và công nghệ, Nissan vẫn đang loay hoay tìm lại phương hướng phát triển dài hạn.
Trong giai đoạn ngành ô tô toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ điện và phần mềm, các hãng xe Nhật khó có thể “một mình một đường” nếu muốn duy trì sức cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là “có hợp tác hay không”, mà là “ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi”.
TH (Tuoitrethudo)