Mercedes-AMG đang chuẩn bị cho sự trở lại của động cơ V8, nhưng vẫn chưa thoát khỏi “bóng ma quá khứ” mang tên C63 hybrid 4 xi-lanh.
Một lãnh đạo cấp cao giấu tên của Mercedes-AMG mới đây đã thừa nhận rằng, hệ truyền động plug-in hybrid 2.0L từng được kỳ vọng thay thế V8 trên C63 “không tạo được sự kết nối với nhóm khách hàng truyền thống”.
Đây là lần hiếm hoi AMG công khai thừa nhận thất bại sản phẩm, dù trước đó CEO AMG từng bảo vệ lựa chọn này là “rất tiến bộ” và xứng đáng được đón nhận. Tuy nhiên, thực tế thị trường đã cho thấy điều ngược lại.
Được biết đến với tên mã M139l, khối động cơ 2.0L tăng áp gắn dọc này là một trong những hệ truyền động phức tạp nhất từng xuất hiện trên xe thương mại. Nó không chỉ được trang bị cho C63 và GLC63, mà còn xuất hiện trên các mẫu xe thể thao như SL43 và GT43.
Tuy nhiên, dù “tiềm năng kỹ thuật là không thể phủ nhận”, chi phí để nâng cấp động cơ này đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 7 là “quá cao”. Điều này khiến M139l khó có cơ hội tồn tại lâu dài và sẽ bị loại bỏ trong tương lai gần.
Nhưng điều bất ngờ lớn hơn là, lý do chính khiến AMG từ bỏ V8 ban đầu được cho là để đáp ứng quy định khí thải tại châu Âu. Nhưng giờ đây, chính khối 4 xi-lanh hybrid mới lại là rào cản về chi phí khi đối mặt với Euro 7.
Trước phản ứng tiêu cực từ thị trường, Mercedes-AMG đang điều chỉnh chiến lược sản phẩm. Hãng xác nhận đang phát triển một động cơ V8 mới, đồng thời mở rộng dòng động cơ I6 (inline-six), cụ thể là phiên bản nâng cấp của khối M256M 3.0L mild-hybrid hiện đang sử dụng trên E53 và CLE53.
Đây được xem là bước đi “đảo chiều” hoàn toàn so với định hướng trước đó của AMG, vốn từng kỳ vọng khách hàng sẽ “đón nhận xe AMG 4 xi-lanh như cách họ đón nhận smartphone”, theo lời ông Jaime Cohen – CEO Mercedes-Benz Australia.
Giờ đây, các mẫu AMG tương lai có thể sẽ sử dụng lại những động cơ lớn hơn, kết hợp với điện hóa ở mức vừa phải (mild-hybrid hoặc plug-in hybrid), thay vì đặt cược hoàn toàn vào công nghệ hybrid cỡ nhỏ.
Tương lai của Mercedes-AMG C63 hiện vẫn chưa rõ ràng. Về lý thuyết, hãng chưa có kế hoạch sản xuất bản V8 cho thế hệ hiện tại. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng C63 và C43 có thể bị dừng sản xuất sớm hơn dự kiến và thay thế bằng một mẫu C53 sử dụng động cơ I6 mild-hybrid – một cấu hình vốn quen thuộc với khách hàng hiệu năng cao của AMG trong thập kỷ qua.
Một số ý kiến cho rằng, nếu Mercedes-AMG gọi mẫu xe mới là C53 ngay từ đầu thay vì tiếp tục sử dụng tên gọi C63 vốn gắn liền với động cơ V8 truyền thống, phản ứng từ cộng đồng người hâm mộ có thể đã bớt gay gắt. Việc đặt tên mang tính kế thừa trong khi cấu hình kỹ thuật thay đổi hoàn toàn từ V8 sang động cơ 4 xi-lanh plug-in hybrid được xem là yếu tố gây ra sự kỳ vọng lệch pha.
So với đối thủ trực tiếp là BMW M3, mẫu AMG C63 hiện tại gặp bất lợi rõ rệt về hình ảnh thương hiệu và thông số kỹ thuật. BMW vẫn duy trì động cơ I6 tăng áp, đi kèm hộp số sàn tùy chọn và chưa áp dụng điện hóa mạnh tay, trong khi giá bán thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với C63.
Bài học lớn mà Mercedes-AMG rút ra có lẽ không nằm ở công nghệ, mà ở khả năng nắm bắt kỳ vọng của nhóm khách hàng trung thành. Việc lựa chọn đi trước xu hướng với một hệ truyền động điện hóa phức tạp, sử dụng động cơ nhỏ thay cho các cấu hình truyền thống nhiều cảm xúc cơ khí, đã khiến một trong những dòng xe biểu tượng của AMG trở nên xa cách với chính cộng đồng từng gắn bó và yêu mến thương hiệu.
TH (Tuoitrethudo)