Đóng
 

Thứ hai, 07/07/2025 | 02:50
11:03  |  06/07/2025

Hơn 90% hãng xe Trung Quốc có thể không có lãi đến năm 2030

Cuộc đua giảm giá kéo dài, công suất dư thừa và sự cạnh tranh khốc liệt đang khiến phần lớn các thương hiệu xe điện tại Trung Quốc đối mặt với nguy cơ không thể sinh lợi trong ít nhất 5 năm tới, bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.  

Theo báo cáo mới công bố ngày 4/7 của công ty tư vấn AlixPartners, hiện Trung Quốc có tổng cộng 129 thương hiệu xe điện (EV), được điều hành bởi khoảng 50 nhà sản xuất ô tô. Tuy nhiên, chỉ có 15 thương hiệu được dự báo sẽ đạt lợi nhuận vào năm 2030, tức chưa đến 12%.

Dù chỉ chiếm một phần nhỏ, nhóm thương hiệu này được dự đoán sẽ nắm giữ đến 75% thị phần xe điện tại Trung Quốc đại lục trong những năm tới. Báo cáo nhấn mạnh rằng thị trường xe năng lượng mới tại Trung Quốc đang là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới, nơi các hãng phải liên tục tham gia vào cuộc chiến giá, đổi mới công nghệ và đối mặt với sự xuất hiện liên tục của những thương hiệu mới.

Nếu xu hướng giảm giá vẫn tiếp diễn trong những năm tới, AlixPartners cảnh báo số thương hiệu EV có thể có lãi tại Trung Quốc đến năm 2030 có thể giảm còn dưới 10. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh số xe điện vẫn tiếp tục tăng mạnh: EV (bao gồm cả xe thuần điện và hybrid sạc điện PHEV) được dự đoán sẽ chiếm tới 76% tổng số xe mới bán ra tại Trung Quốc, tương đương 20 triệu xe vào năm 2030.

Tuy vậy, đằng sau tốc độ tăng trưởng ấn tượng là một thực tế đáng lo ngại: thị trường đang dư thừa công suất sản xuất. Các nhà máy tại Trung Quốc có thể sản xuất tới 20 triệu xe điện mỗi năm, nhưng hiện tại chỉ đang sử dụng khoảng 50% công suất thực tế.

Điều này đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh gay gắt về giá giữa các thương hiệu nhằm giành thị phần. Riêng trong tuần cuối tháng 5, theo báo 21st Century Business Herald, có tới 70 mẫu xe điện và xe xăng tại Trung Quốc được giảm giá, một phần để tận dụng các chương trình hỗ trợ từ chính phủ.

Hiện tại, chỉ ba hãng xe điện lớn tại Trung Quốc đang ghi nhận lợi nhuận là BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, Li Auto - đối thủ chính của Tesla tại Trung Quốc và Aito - thương hiệu được Huawei hậu thuẫn.

Ông Stephen Dyer - đồng trưởng khu vực Trung Quốc và giám đốc phụ trách ô tô châu Á của AlixPartners cho rằng, làn sóng cạnh tranh giá đang hình thành một quá trình “thanh lọc tự nhiên” của thị trường EV tại Trung Quốc. Những thương hiệu nhỏ bán ra chưa tới 1.000 xe mỗi tháng có thể sẽ bị đào thải trong vài năm tới, do không thể cạnh tranh về giá, công nghệ và quy mô sản xuất.

Chính phủ Trung Quốc vẫn đang duy trì một số chính sách kích cầu, bao gồm chương trình đổi xe cũ, hỗ trợ 20.000 nhân dân tệ (hơn 73 triệu VNĐ) cho mỗi xe điện mới và 15.000 nhân dân tệ (54,8 triệu VNĐ) cho xe xăng. Đồng thời, xe điện vẫn được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tạo ra lợi thế cạnh tranh về chi phí trước các dòng xe truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những hỗ trợ này khó có thể duy trì lâu dài và không đủ để cứu vãn các thương hiệu hoạt động kém hiệu quả nếu không có sự thay đổi căn bản về mô hình kinh doanh và năng lực công nghệ.

Bên cạnh thị trường nội địa, AlixPartners cũng dự báo các hãng xe điện Trung Quốc sẽ tăng sản lượng tại châu Âu lên thêm khoảng 800.000 xe mỗi năm vào năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt là tại Liên minh châu Âu (EU).

Từ tháng 10/2024, các dòng xe điện sản xuất tại Trung Quốc sẽ chịu thêm mức thuế nhập khẩu bổ sung từ 17% đến 35,3%, sau cuộc điều tra kéo dài một năm của EU về cáo buộc nhận trợ cấp không công bằng từ chính phủ Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng xuất khẩu của các hãng xe Trung Quốc và buộc họ phải điều chỉnh lại chiến lược mở rộng toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện, những thách thức về lợi nhuận, công suất dư thừa và cạnh tranh giá đang đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngành ở mức độ sâu rộng. Trong bối cảnh chỉ số ít thương hiệu có thể tồn tại và phát triển, thị trường EV Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn thanh lọc khốc liệt, nơi những hãng mạnh về công nghệ, hiệu quả chi phí và chiến lược toàn cầu sẽ trụ vững, còn phần lớn sẽ buộc phải rời khỏi cuộc chơi.

TH (Tuoitrethudo)

Tags: xe điện    Geely   BYD   xe điện Trung Quốc   Aito   Li Auto  

Tư vấn

Xe điện cũ có thực sự đáng sợ như nhiều người nghĩ?

Khi ô tô điện ngày càng hiện diện nhiều hơn trên đường phố Việt Nam, mối quan tâm của người tiêu dùng không còn dừng lại ở việc “có nên mua xe điện mới?”, mà đã mở rộng sang câu...