Trong các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm, sét luôn là một trong những mối đe dọa khó lường nhất.
Không chỉ ảnh hưởng đến con người hay công trình xây dựng, ô tô cũng có thể là mục tiêu của những cú đánh trời giáng này. Vậy ngồi trong ô tô có an toàn khi trời sét đánh không?” là câu hỏi luôn khiến nhiều người băn khoăn.
Trên thực tế, việc sét đánh trúng một chiếc xe hơi hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ô tô là một trong những nơi trú ẩn an toàn trong điều kiện có sấm sét, nhờ cấu trúc kim loại khép kín của xe hoạt động như một “lồng Faraday”.
Khi sét đánh trúng ô tô, dòng điện cực mạnh không xuyên qua không gian trong xe mà sẽ chạy dọc theo bề mặt vỏ kim loại bên ngoài, sau đó truyền xuống đất thông qua bánh xe. Chính hiệu ứng “lồng Faraday” này giúp bảo vệ hành khách khỏi dòng điện, bởi điện không đi vào khoang nội thất mà được dẫn đi xung quanh.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chiếc xe hoàn toàn không chịu bất kỳ thiệt hại nào. Tùy vào cường độ sét và cấu trúc xe, một số hỏng hóc có thể xảy ra.
Khi ô tô bị sét đánh, dù người ngồi trong xe thường vẫn an toàn nhờ hiệu ứng “lồng Faraday” từ vỏ xe kim loại, nhưng phương tiện có thể chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhất là hư hỏng hệ thống điện tử: bộ điều khiển trung tâm (ECU), cảm biến, đèn chiếu sáng, hệ thống giải trí hay điều hòa có thể bị chập cháy do điện áp đột ngột.
Lốp xe cũng là khu vực dễ bị tổn hại - dòng điện truyền xuống đất qua bánh xe có thể gây nổ hoặc làm cháy lớp cao su nếu áp suất không đạt chuẩn. Ngoài ra, nhiệt lượng cực lớn từ tia sét có thể khiến kính chắn gió hoặc kính cửa sổ giãn nở đột ngột, dẫn đến nứt vỡ. Tại điểm sét đánh, lớp sơn bên ngoài xe có thể xuất hiện các vết cháy xém, bong tróc hoặc đổi màu. Mặc dù nội thất hiếm khi bị ảnh hưởng nặng, nhưng những tổn hại bên ngoài và hệ thống điện cần được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn vận hành sau sự cố.
Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, trong một số tình huống đặc biệt, tia sét có thể xâm nhập vào khoang nội thất và gây tổn hại nghiêm trọng. Các nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Cửa kính mở hoặc không kín hoàn toàn, tạo điều kiện cho tia sét xuyên vào trong cabin. Hay một số xe không có kết cấu lồng Faraday hoàn chỉnh, điển hình như xe mui trần, xe có thân bằng nhôm hoặc nhựa. Ngoài ra, nếu trên xe có các thiết bị kim loại dẫn điện, chẳng hạn như anten radio kéo dài, dây nối thiết bị ngoại vi từ ngoài vào trong. Khi hệ thống điện bị chập cháy, sinh nhiệt lớn dẫn đến việc các vật liệu như nhựa, da, nệm ghế hoặc thậm chí màn hình LCD bị nóng chảy.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng đây là những trường hợp cực kỳ hiếm. Trong phần lớn các vụ việc được ghi nhận, thiệt hại do sét gây ra chủ yếu tập trung ở vỏ xe và các thiết bị điện tử, trong khi người ngồi trong xe thường không gặp nguy hiểm nếu tuân thủ đúng quy tắc an toàn.
Trong điều kiện thời tiết có sấm sét, người lái xe nên áp dụng một số biện pháp như: ngồi yên trong xe và đóng kín cửa sổ. Vỏ kim loại của xe sẽ đóng vai trò như lớp bảo vệ khỏi dòng điện. Cần tránh tiếp xúc với các bề mặt kim loại bên trong như khung cửa, tay nắm, vô lăng có lõi kim loại… để hạn chế rủi ro dẫn điện. Người dùng cũng không nên sử dụng thiết bị điện tử đang sạc hoặc cắm vào hệ thống điện của xe, nhằm phòng tránh sự cố do dòng điện lan truyền. Sau cơn giông, nếu nghi ngờ xe bị ảnh hưởng bởi sét, nên đưa xe đến trung tâm dịch vụ để kiểm tra toàn diện hệ thống điện, kính và các thiết bị điều khiển.
Mặc dù sét đánh vào ô tô là một tình huống nguy hiểm, nhưng về cơ bản, người trong xe vẫn được bảo vệ khá an toàn nhờ thiết kế khung vỏ kim loại. Tuy vậy, việc chủ quan trước những ảnh hưởng gián tiếp như chập cháy điện hoặc hư hại nội thất, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế, bên cạnh kỹ năng lái xe, sự chủ động và kiến thức về an toàn trong điều kiện thời tiết xấu sẽ giúp người dùng yên tâm hơn trên mọi hành trình. Ô tô, nếu được sử dụng và bảo trì đúng cách, không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là nơi trú ẩn an toàn giữa tâm bão.
TH (Tuoitrethudo)